Tin tức

Vải quần áo không nhăn

Sự tiến bộ của ngành hóa học và vật lý đã giúp con người chế tạo nhiều thứ tiện dụng khiến sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn, nhất là khi đời sống trở nên vội vã tất bật như ngày nay, thời giờ mỗi ngày một eo hẹp, quý hiếm hơn. Do đó những vật dụng nhanh, gọn, dễ xài trở nên phổ thông.

Sự tiến bộ của ngành hóa học và vật lý đã giúp con người chế tạo nhiều thứ tiện dụng khiến sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn, nhất là khi đời sống trở nên vội vã tất bật như ngày nay, thời giờ mỗi ngày một eo hẹp, quý hiếm hơn. Do đó những vật dụng "nhanh", "gọn", "dễ xài" trở nên phổ thông.

Quần áo cũng không ngoại lệ. Thủa xa xưa, quần áo được chế biến từ cây cỏ, da thú rồi đến vải vóc; vải được chế biến từ tơ tằm, bông gòn, lông thú... là những nguyên liệu "thiên nhiên" được con người biến hóa làm đồ dùng. Đi xa hơn nữa ta có các loại "vải" chế tạo từ hóa chất như ny lông, polyester, pha chế với các nguyên liệu thiên nhiên và con người biến hóa thành cả mấy chục thứ vải vóc khác nhau từ tơ lụa, len đến "microfiber", không rành nghề thì khó lòng đoán ra tấm vải trước mắt được chế tạo bằng những nguyên liệu nào, bao nhiêu phần trăm tơ tằm bao nhiêu phần trăm hóa chất...

Những loại vải vóc như cô tông (từ bông gòn), tơ tằm là những thứ dễ nhăn nhúm, để lại vết hằn trên quần áo nếu ta đứng ngồi không cẩn thận; và sau mỗi lần giặt giũ lại phải ủi cho phẳng kẻo ăn mặc luộm thuộm khó coi.

Từ đó, nhu cầu vải ít nhăn xuất hiện và các loại vải vóc chứa ít nhiều hóa chất ra đời, nhắm đến việc dùng vật liệu rẻ, tiện dụng, quần áo giặt xong là mặc được liền khỏi cần ủi, mất thời giờ, tốn công! Ta có thể đoán rằng chiếc bàn ủi trong tương lai sẽ mất dấu và chỉ thấy trong viên bảo tàng theo lẽ đào thải của đời sống?

Trào lưu "vải không nhăn" đang thịnh hành, cửa hàng bán quần áo nào cũng trưng bày những món được quảng cáo rầm rộ "không cần ủi" (“wrinkle-free finish”) từ Nordstrom đến K Mart hoặc L. L. Bean. Họ la lên rằng quần áo phẳng phiu là lượt ngay từ lúc lấy ra từ máy sấy (“great right out of the dryer”). Và người tiêu thụ đang băn khoăn về những lời đồn đại vải vóc chứa hóa chất, formaldehyde hay "phóc môn", có gây nguy hại gì cho sức khỏe không.

Formaldehyde là một hóa chất được dùng đã lâu trong nhiều kỹ nghệ, được bá tánh biết đến nhiều nhất qua cách dùng ướp xác (giữ cho xác chết không bị tàn rửa do vi khuẩn). Formaldehyde còn được dùng để pha chế thuốc gội đầu, mỹ phẩm, vật dụng xây cất... Tạm hiểu là hóa chất này hiện diện trong rất nhiều thứ ta đang dùng với số lượng nhiều ít tùy theo phẩm vật.

Vải không nhăn (hay ít nhăn còn gọi là tính "antiwrinkle") do phần ny lông hoặc formaldehyde pha chế trong sợi vải. Ngoài quần áo mặc, các loại vải vóc này còn dùng may màn cửa, khăn trải giường, mền đắp, mũ nón... Câu hỏi là formaldehyde ảnh hưởng đến thân thể con người ra sao khi mặc loại quần áo "không nhăn" kia?

Câu trả lời là tùy theo loại vải và tùy theo ta có dị ứng với formaldehyde hay không.

Những công nhân làm việc hàng ngày va chạm, sờ mó hóa chất tất nhiên phải cẩn thận với formaldehyde cũng như các hóa chất khác. Ngoài ra, hầu hết mọi người tiêu thụ đều không bị "phản ứng" tệ hại nào khi mặc quần áo "không nhăn" (ta không bàn đến âm thanh "xột xoạt" của ny lông khi cọ xát trên mỗi bước chân đi).

Một số ít người tiêu thụ bị chứng dị ứng ngoài da, contact dermatitis, khi dùng loại vải kể trên. Contact dermatitis gây ngứa ngáy, phồng nước, nổi mề đay trên da.

Theo tài liệu của bộ Thương Mại, formaldehyde trong vải vóc gây dị ứng cho 0.9% người tiêu thụ. Tuy nhiên, vẫn có vài tổ chức tư nhân (bảo vệ người tiêu thụ) cho rằng chính phủ liên bang cần thẩm xét kỹ lưỡng hơn các loại vải vóc, về việc sử dụng hóa chất để chế biến tơ sợi và nhất là ảnh hưởng của việc tiếp thụ các hóa chất kia lâu dài. Họ cho rằng chính phủ phải đòi hãng sản xuất liệt kê trên nhãn hiệu rõ ràng về các món hóa chất sử dụng để người tiêu thụ biết mà lựa chọn.

Tính đến hôm nay, chính phủ Hoa Kỳ chưa ra luật định kiểm soát mức formaldehyde trong vải vóc, nhất là vải vóc, quần áo ngày nay được chế tạo ở ngoại quốc và cũng chưa có luật định về nhãn hiệu trên vải vóc quần áo. Đây là điều dễ hiểu vì kỹ nghệ, kỹ thuật mới đều đi trước luật pháp kiểm soát khoảng vài chục bước. Khi xảy ra chuyện không may, lúc ấy chính phủ mới ban hành luật lệ để kiểm soát sản phẩm và bảo vệ người tiêu thụ. Quốc gia nào cũng thế chẳng riêng gì Hoa Kỳ.

Cơ quan Government Accountability Office, chuyên việc giám sát của Quốc Hội Hoa Kỳ, đã thực hiện một cuộc khảo sát về mức độ và ảnh hưởng của formaldehyde trên sức khỏe con người (theo đạo luật the Consumer Product Safety Improvement Act of 2008).

Cuộc khảo sát bao gồm 180 vật dụng, quần áo và mùng mền. Phần lớn (95%) các vật dụng này chứa rất ít hoặc không có formaldehyde; mức độ formaldehyde được xem là "thấp" dựa trên tiêu chuẩn của Nhật Bản.

Khoảng 5.5% còn lại gồm loại quần áo không nhăn, bao gối dễ xài, khăn bọc nôi trẻ em, mũ nón chứa 75 ppm (parts per million) formaldehyde, cao hơn mức ấn định cho các vật dụng tiếp giáp với da thịt.

Theo tiêu chuẩn kiểm soát của chính phủ Nhật: Mức formaldehyde thường nằm tại "không thể đo" (undetectable) hoặc ít hơn 20 ppm. Vật dụng không tiếp giáp với da thịt có thể chứa formaldehyde ở mức 300 ppm.

Theo Bác Sĩ Susan T. Nedorost, chuyên khoa da và môi sinh tại University Hospitals Case Medical Center, Cleveland, Ohio, mức formaldehyde kể trên (75 ppm) hiếm khi ảnh hưởng đến người tiêu thụ trừ một số người bị dị ứng. Và trong nhóm người bị dị ứng, một lượng formaldehyde cỡ 30 ppm cũng khiến da mẩn đỏ, ngứa ngáy, nổi phồng.

Dù formaldehyde không gây nguy hại cho phần lớn người tiêu thụ, nhưng tại sao phải dùng hóa chất này để chế biến sợi vải? Formaldehyde giữ sợi vải tại vị trí sau khi máy giặt cuộn quần áo để vắt hết nước, và manh quần tấm áo giặt xong vẫn thẳng thớm không bị nhăn nhúm như các loại vải khác.

Nói chung, kỹ nghệ vải vóc (textile industry) Hoa Kỳ có một danh sách các hóa chất dùng để chế biến tơ sợi, formaldehyde được dùng ở mức tối thiểu. Sự chú tâm của bá tánh cũng như các công ty sản xuất quần áo như Gap, Banana Republic, Levi Strauss & Company... khiến kỹ nghệ này "nhẹ tay" hơn. Họ không muốn mời gọi sự chú ý của người tiêu thụ nên dè dặt và sẵn sàng công bố danh sách 200 món hóa chất tránh dùng kia (formaldehyde nằm trong danh sách nọ). Tất nhiên, dữ kiện này chỉ đúng với Hoa Kỳ và các quốc gia Liên Âu cũng như Nhật Bản.

Tóm lại, ta có thể tạm an tâm về chuyện formaldehyde trong quần áo trừ khi ta là người có làn da mẫn cảm, dễ bị dị ứng, nhưng thói quen tốt nhất vẫn là giặt giũ quần áo mới mua về trước khi mặc, ít nhất là một hai lần.

Các tin khác